Ăn gỏi cá, người đàn ông ở Hà Nội bị sán đóng tổ trong “của quý”

Sán lá gan nhỏ trong “của quý” bác sỹ khó tin

Trên thành “của quý” của một bệnh nhân nam, 42 tuổi, ở Hà Nội bỗng xuất hiện khối u nhỏ. Lúc đầu, vợ tưởng chồng bị lậu và rất lo lắng. Hai vợ chồng dẫn nhau đến Bệnh viện phụ sản Trung ương điều trị thuốc nhưng không khỏi.

TS. BS Nguyễn Thu Hương, Phó Trưởng khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết: Bệnh nhân nam phát hiện u nhỏ cộm cứng thành dương vật gần một tháng. Kèm theo không đau, hơi ngứa, đi tiểu bình thường không buốt, không có mủ lỗ tiểu.

Bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư nhân được chẩn đoán u nang và được chỉ định cắt đốt điện. Sau điều trị vẫn thấy ngứa, vướng, thành dương vật nổi cộm cứng dưới da.

Khám dưới da cách bao quy đầu 0,5 cm có một vật dài 2cm, nhỏ mỏng. Chúng tôi chẩn đoán theo dõi ký sinh trùng dưới da. Sau đó, bệnh nhân được làm các xét nghiệm như dịch niệu đạo Chlamydia âm tính, cầu khuẩn gram âm đương tính (++); Test nhanh HIV âm tính, HBsAg âm tính.

Siêu âm gan bình thường. Các xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu hoàn toàn bình thường. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt khối u.


Sán lá gan ở người

Phẫu tích khối u thấy ở trung tâm có một ký sinh trùng dài khoảng 2cm dẹt, đường kính 1mm màu vàng trong, phần đầu cắm chặt vào vật hang. Xung quanh tổ chức xơ và dịch vàng trong.

Mẫu vật được chuyển vào xác định loài tại khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Chẩn đoán hình thể ban đầu là con sán dẹt có hình lá, màu hồng nhạt, hơi khô cứng, kích thước 18mm x 1mm x 5mm. Bằng kỹ thuật PCR và giải trình tự gen, mẫu vật đã được xác định chính xác là Clonorsis sinensis.

Đây là một loài sán lá gan nhỏ gây bệnh trên người hay gặp tại người có thói quen ăn gói cá sống. Bình thường bệnh hay gặp tổn thương vùng gan và có thể gây ung thư gan.

Dù tận mắt thấy con sán lá gan nhỏ nhưng BS Hương rất cẩn trọng. Đây là ca bệnh cực hy hữu khi sán lá gan nhỏ sống trên dương vật.

BS Hương phải hỏi rất kỹ và yêu cầu gặp cả 2 vợ chồng bệnh nhân để hỏi cho tường tận, cũng như giải thích cho 2 vợ chồng rõ. Một chi tiết đáng quan tâm là bệnh nhân cùng bạn hay đi nhậu, có ăn món cá sống. Như vậy, có thể sán lá gan nhỏ đã vào cơ thể bệnh nhân qua đường tiêu hóa và di chuyển xuống làm tổ ở “của quý”.

BS Hương nói: “Để biết chính xác và khoa học đó có phải là sán lá gan nhỏ hay không, mẫu vật được xác định bằng sinh học phân tử và ra kết quả Clonorchis sinensis tại khoa Ký sinh trùng và khoa Sinh học Phân tử của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương.

Phân tích độ tương đồng các nucleotit trong mẫu nghiên cứu so với mẫu Clonorchis sinensis Nam Định, Việt Nam được lưu giữ trên ngân hàng gen, độ tương đồng là 99,9% và với mẫu Clonorchis sinensis Quảng Đông Trung Quốc độ tương đồng là 98,9%. Sau phẫu thuật cắt bổ khối u, bệnh nhân đã được điều trị khỏi.

Sán lá gan nhỏ vào cơ thể thế nào?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO, 2011), sán truyền qua thức ăn là một nguyên nhân ảnh hưởng đến ít nhất 56 triệu người trên toàn thế giới.

Các loài sán lá truyền qua thức ăn gây bệnh cho người phổ biến hiện nay bao gồm Clonorchis, Opisthorchis, Fasciola và Paragonimus. Trong đó, sán lá gan nhỏ có ba loài chính gây bệnh trên người là Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini và Opisthorchis felineus.

Clonorchis sinensis gây bệnh sán lá gan nhỏ ở người, lần đầu tiên tìm thấy vào năm 1874. Bệnh phổ biến tại các nước có tập quán ăn cá nước ngọt sống hoặc chưa nấu chín.

Theo ước tính của WHO có khoảng 3 triệu người sống tại Thái Lan, Lào, Campuchia, miền Trung Việt Nam nhiễm sán lá gan nhỏ Opisthorchis viverrini. Hơn 19 triệu người ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và miền Bắc Việt Nam nhiễm Clonorchis sinensis.

TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, tại Việt Nam đã xác định bệnh do C. sinensis lưu hành chủ yếu ở miền Bắc với ít nhất 15 tỉnh, tỷ lệ nhiễm trung bình 19%. Trong đó, tỉnh có tỉ lệ nhiễm cao là Ninh Bình, Nam Định có một số điểm có tỉ lệ nhiễm lên tới 35%-37%.

Bệnh có liên quan đến tập quán ăn gỏi cá, tại Nam Định tỉ lệ dân ăn gỏi cá tại một số địa phương đến 80,4%, Ninh Bình 70%, Thanh Hoá 67,9%.

Sán lá gan nhỏ O. viverrini được tìm thấy ở ít nhất 9 tỉnh phía Nam như: Phú Yên có nơi có tỷ lệ nhiễm tới 36,9%, Bình Định 11,9%, Đăk Lăk 7,6%, Đà Nẵng 0,3%, Quảng Nam 4,6%, Khánh Hoà 1,4%.

Theo TS. Dương đến năm 2013 các số liệu điều tra trong toàn quốc cho thấy sán lá gan nhỏ vẫn còn đến 32,7% tại Kỳ Sơn - Hòa Bình, 27,7% tại Ba Vì - Hà Nội, 17,7% tại Nga Sơn - Thanh Hóa, 34,85%-50,55% tại Nam Định, 9,36% tại Gia Viễn - Ninh Bình, 11,1% Yên Bình - Yên Bái và tại Tuy Hòa - Phú Yên 0,4%.

TS Hương cho biết: Cả hai loài sán lá gan nhỏ C. sinensis và O. viverrini được xác định như tác nhân gây ung thư.

Trên lâm sàng ca bệnh sán lá gan nhỏ thường có triệu chứng đau tức vùng gan, rối loạn tiêu hóa (kém ăn, bụng ậm ạch khó tiêu). Đôi khi có biểu hiện sạm da, vàng da và dấu hiệu gan to hay xơ gan tùy theo mức độ của bệnh. Ca bệnh được xác định bằng xét nghiệm tìm thấy trứng sán trong phân hoặc dịch tá tràng.

Con sán trưởng thành thường ẩn nằm sâu trong ống mật nhỏ của gan, gây viêm đau tức vùng gan, rối loạn tiêu hóa, xơ hóa các mô lân cận tùy theo mức độ của bệnh.

Nghiêm trọng nhất là gây ung thư biểu mô đường mật đường mật, một thể biến chứng nghiêm trọng và gây tử vong của bệnh ung thư biểu mô đường mật do sán lá gan nhỏ.


CTV3
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin